Bồ Tát Di Lặc được coi là vị Phật thứ 5, vị Phật cuối cùng sẽ xuất hiện trên trái đất sau khoảng 30.000 năm nữa, thay thế Phật Thích ca Mâu Ni. Trong Phật giáo Tây Tạng, Di Lặc được thờ cúng rất rộng rãi. Ở thế giới hiện đại, hình ảnh vị Phật này hiện hữu khắp mọi nơi: cửa hàng, khách sạn, nhà riêng, chùa chiền.
Trong tranh tượng, Phật Di Lặc thường ngồi trên ngai vàng, chân bắt chéo hoặc đặt xuống sàn, với hàm ý sẵn sàng đứng dậy đi giáo hóa chúng sinh. Ở những hình ảnh ban đầu, Di Lặc được mô tả như một vị hoàng tử thanh mảnh, tuấn tú, thường mặc trang phục hoàng gia Ấn Độ.
Hình ảnh ban đầu của Phật Di Lặc.
Tại Trung Quốc, Bồ Tát Di Lặc hay được trình bày với dáng vẻ mập mạp, hiền hòa, tự tại, miệng tươi cười, bụng phơi ra, trẻ con đeo xung quanh.
Người ta tin rằng đó chính là hình ảnh của Bố Đại (tức là Hòa thượng Túi Vải), một Thiền Sư Trung Quốc ở thế kỷ thứ 10. Tương truyền, nhà sư có tướng người mập mạp, trán hẹp, bụng lớn, nói năng vô định, ngủ nghỉ tùy chỗ, thường dùng một cây gậy, quẩy một túi vải để đựng những vật người cúng dường. Ông được khâm phục vì có tài tiên tri thời tiết nắng mưa. Trước khi viên tịch, Hòa Thượng nói bài kệ:
"Di Lặc, chân Di Lặc
Phân thân trăm nghìn ức
Thường hiện cho người đời
Người đời không ai biết"
Di Lặc và trẻ em.
Sau khi viên tịch, người dân vẫn thấy Bố Đại mang túi vải xuất hiện ở châu khác. Tin rằng ông chính là hóa thân của Di Lặc, người đời sau thường thể hiện hình ảnh Phật Di Lặc dưới dạng một Bố Đại mập tròn vui vẻ.
Phật Di Lặc trong Phong thủy
Còn gọi là "Phật Cười", Di Lặc là biểu tượng tuyệt đối của hạnh phúc trong phong thủy. Theo truyền thuyết, niềm vui lớn nhất của vị Bồ Tát này là biến những buồn phiền, giận dữ, áp lực hay căng thẳng của con người thành hạnh phúc. Người ta tin rằng nụ cười nội tâm của Di Lặc mạnh tới mức nó luôn tỏa sáng trên khuôn mặt hiền từ và, Phật tới đâu ở đó có hạnh phúc.
Di Lặc cũng được coi là biểu tượng của sự hài hòa, niềm vui vô tư lự. Chỉ cần nhìn ngắm khuôn mặt Phật, người buồn phiền cũng có thể thấy vui lên. Xoa bụng Phật được cho là mang lại vận may và sự tốt lành.
Bụng Phật càng to, may mắn càng nhiều.
Tượng trưng cho thịnh vượng, Di Lặc thường được gắn với các biểu tượng giàu sang như đồng tiền, thỏi vàng và chiếc túi được cho là chứa rất nhiều châu báu. Đôi khi Phật cũng mang theo quả Hồ lô, biểu tượng của sức khỏe và trường thọ hoặc chiếc Gậy như ý, biểu tượng của quyền lực. Người ta thích chọn tượng Phật có khuôn mặt cười hả hê, với mong muốn nhận được nhiều niềm vui và mọi sự như ý.
Cách bài trí tranh và tượng Phật Di Lặc
- Bày tượng Phật đối diện với cửa chính: nhiều nhà phong thủy khuyên nên đặt tượng Phật Di Lặc ở độ cao khoảng 1m, nhìn thẳng ra cửa nhà. Vị trí này được cho là giúp Phật biến toàn bộ khí vào nhà thành năng lượng tốt. Nếu không có được vị trí lý tưởng nói trên, hãy bày tượng ở một chiếc bàn cạnh tường hoặc ở góc xa nhất của phòng, đối mặt với cửa chính.
- Đặt tranh hoặc tượng Phật ở cung Đông của ngôi nhà hay phòng khách để tạo sự hài hòa cho cả gia đình và hóa giải mọi rắc rối, cãi cọ.
- Bày tượng Phật ở cung Sinh Khí của bạn để tăng vận may tài lộc, sức khỏe và thành công.
- Bày tượng Phật ở cung Đông Nam của phòng khách, phòng lễ tân hoặc của toàn bộ ngôi nhà để gia tăng vận may tài lộc.
- Với những người làm việc trong môi trường cạnh tranh, ví dụ người nắm giữ những vị trí chủ chốt của công ty, các chính trị gia… đặt Phật Di Lặc ở nơi làm việc hoặc tại nhà giúp mang lại may mắn và loại bớt sự thù địch. Hình ảnh của Phật cũng giúp tâm trí minh mẫn và giảm bớt căng thẳng.
- Đặt tượng Phật trong xe ô tô giúp giảm bớt lo âu, tránh tai nạn và mang lại tin vui.
- Bày tượng Phật ở bàn làm việc để giảm bớt căng thẳng và tranh cãi với đồng nghiệp, đồng thời giúp bạn hoàn thành công việc tốt hơn.
- Học sinh muốn đạt thành tích cao có thể đặt tượng Di Lặc trên bàn học để tăng cảm hứng học tập.
Tượng Phật Di Lặc là một vật phẩm hết sức hữu hiệu giúp hóa giải Tam Bích (số 3 - sao cãi cọ). Màu vàng của tượng (đại diện cho hành Kim) sẽ tiêu diệt năng lượng Mộc của Tam Bích. Trong năm 2012, ngôi sao cãi cọ này nằm ở cung Tây Nam ngôi nhà của bạn.
Phật Di Lặc có thể là món quà lý tưởng cho bất cứ dịp vui nào. Với người đang gặp nhiều rủi ro, đây cũng là món quà hết sức ý nghĩa.
Chú ý: Không bày tượng Phật trong phòng tắm, nhà bếp, phòng ngủ hay đặt trực tiếp trên sàn nhà.
Hình tượng đức Phật Di Lặc và ý nghĩa của nụ cười
Ngài Di Lặc thường được mô tả theo một hình thức hết sức đặc biệt với cái bụng thật lớn và cái miệng cười thật tươi để nói lên rằng: “Bụng trống năng dung, dung những điều khó dung trong thiên hạ Miệng lớn hay cười, cười những việc khó cười trong thế gian.”
Đã từ rất lâu, người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng xem Nguyên Đán là một cái tết vô cùng quan trọng. Hằng năm, khi những cánh én báo hiệu mùa xuân về, khi những cánh mai vàng ngoài kia bắt đầu hé nụ là lòng người trở nên xao xuyến lạ kỳ. Người người hớn hở, nhà nhà nô nức đón xuân, những đóa hoa xanh đỏ tím vàng rực rỡ khắp phố phường, mọi sinh hoạt của con người lúc nầy cũng trở nên tưng bừng và sôi động hẳn lên. Tết đến, mọi người gác lại tất cả những lo toan phiền muộn và bỏ qua những nỗi bực dọc của những ngày tháng cũ để chào đón năm mới với một tâm hồn thanh thản nhẹ nhàng. Người ta thăm viếng nhau, chào đón nhau, chúc tụng nhau bằng những lời tốt đẹp và trao cho nhau những nụ cười hoan hỷ, thân thiện làm cho không khí ngày xuân vốn đã ấm áp lại càng ấm áp thêm hơn. Trong những ngày tết, nhất là ngày mồng một, mọi người hết sức cẩn thận lời ăn tiếng nói và hành vi cử chỉ của mình. Bởi lẽ theo họ, đây là thời điểm khởi đầu của một năm, và những điều tốt xấu trong năm ấy đều có liên quan và bắt nguồn từ ngày này của những lời ấy.
Nếu nhân gian xem Mồng Một Tết là ngày quan trọng như thế nào thì đạo Phật cũng xem ngày nầy quan trọng như thế ấy, thậm chí còn quan trọng hơn nhiều. Bởi vì với đạo Phật, đây không những là ngày đầu tiên của một năm mà còn là ngày đánh dấu cho sự ra đời của một vị Phật tương lai – Phật Di-lặc. Vì thế, với đạo Phật, mừng xuân mới cũng chính là mừng Xuân Di-lặc vậy.
Trong nghệ thuật tranh tượng của Phật giáo, ngài Di-lặc thường được mô tả theo một hình thức hết sức đặc biệt với cái bụng thật lớn và cái miệng cười thật tươi để nói lên rằng:
“Bụng trống năng dung, dung những điều khó dung trong thiên hạ
Miệng lớn hay cười, cười những việc khó cười trong thế gian.”
Nụ cười của đức Di-lặc là nụ cười hoan hỷ bất diệt, tâm hồn của đức Di-lặc là tâm hồn bao dung không bờ bến. Và, không ai nhìn vào hình tượng của Ngài mà không cảm thấy lòng mình trở nên thanh thản nhẹ nhàng.
Thật ra không phải ngẫu nhiên mà tượng Phật Di-lặc được tạc theo hình thức như vậy, mà đây chính là thể hiện mong ước và tâm tư của đạo Phật trong việc đem nụ cười vào trong cuộc đời.
Cười chẳng có gì là khó, vì nó chẳng hao công sức cũng chẳng tốn bạc tiền. Nhưng, để có được nụ cười với những hiệu quả của nó đôi lúc lại là một việc không dễ dàng chút nào. Vì thực tế cho thấy, có người suốt ngày chẳng tìm ra được nụ cười dù đó chỉ là nụ cười gượng gạo. Lý do thật dễ hiều. Bởi lẽ, đôi lúc hoàn cảnh khiến cho tâm hồn con người ta trở nên khô cứng và vì vậy phải sống trong ầm thậm lặng lẽ để rồi dần đánh mất đi nụ cười. Bảo rằng, cười sao được khi cuộc sống có quá nhiều lo âu phiền muộn, cười sao được khi biết bao đau khổ đang đè nặng trong tâm hồn. Nói một cách khác, con người ta chỉ cười khi trong lòng không có phiền muộn lo âu, ít có ai cười trong hoàn cảnh trái ý nghịch lòng. Và chính vì thế mà khiến cho cuộc đời càng trở nên mệt mỏi, căng thẳng và thật sự có những nụ cười mà trong đó là lệ chảy.
Cuộc đời vốn đã quá nhiều đau khổ và vì thế rất cần đến những nụ cười. Bởi vì nụ cười là cửa ngỏ của con tim, nó mở lối cho tình người xích lại gần nhau; nụ cười làm ấm lại một tâm hồn đang bơ vơ lạc lõng, nụ cười làm cho mọi người thông cảm lẫn nhau. Lại nữa, cười có thể làm giảm bớt sự căng thẳng của cuộc sống, cười có thể làm vơi đi nỗi bực dọc, đau khổ trong tâm hồn.
Cuộc sống là sự tương quan giữa người với người là sự tương quan giữa người và thiên nhiên vật loại. Và, thái độ sống của người nầy ít nhiều đều có ảnh hưởng đến niềm vui và nỗi buồn của người khác và cho cả thế giới thực vật nữa. Ai có thể vui được khi bên cạnh họ có một người đang âu sầu, buồn bã; ai có thể vui được khi bên cạnh họ có người đang gắt gỏng, giận hờn. Cảnh làm sao vui, khi cảnh ấy có người buồn. Ngược lại, cuộc sống sẽ trở nên vui vẻ hơn, bớt căng thẳng hơn khi mọi người biết cười và biết tặng nhau nụ cười hoan hỷ.
Nụ cười là nắng ấm mùa xuân, là đóa hoa tô điểm cho cuộc đời, làm cho cuộc đời trở nên đẹp hơn và thi vị hơn. Vậy thì tại sao lại không cười? Đành rằng những nghịch cảnh trong cuộc sống đôi khi khiến cho con người ta muốn cười cũng không thể nào cười được. Nhưng nếu có thể cười được thì hãy cứ cười.
Nhưng làm thế nào để luôn có được nụ cười? Đó chính là khi ta biết buông bỏ tất cả những ưu tư, hờn giận trong tâm hồn; khi ta biết cười tán dương cho hạnh phúc của người khác, và khi ta biết cười được những việc khó cười trong thế gian. Đức Di-lặc là người có nụ cười như vậy. Ngài là biểu hiện cho tâm hồn hoan hỷ, bao dung của con người. Cho nên mỗi lần xuân đến là mỗi lần hình ảnh hoan hỷ của Ngài lại hiện về như để nhắc nhở chúng ta rằng:
“Còn gặp nhau thì hãy cứ cười
Cuộc đời như nước chảy trôi
Lợi danh như bóng may chìm nổi
Chỉ có tình thương để lại đời”.
Đời người chẳng có bao nhiêu, vì vậy hãy sống cho có ý nghĩa. Để sống có ý nghĩa trước hết là phải biết cười và biết cho người cụ cười. Bởi lẽ nụ cười là chất liệu của yêu thương, là mùa xuân bất diệt của nhân loại vậy.
Nguồn: Sưu Tầm